Nếu bạn đang nghi ngờ có ai đó đang theo dõi iPhone của bạn bằng cách cài phần mềm gián điệp lên điện thoại thì X Công Nghệ sẽ hướng dẫn bạn cách phát hiện ra điều đó và ngăn chặn nguy cơ dữ liệu cá nhân của bạn bị người khác biết được.
Tuy iPhone được đánh giá là có mức độ bảo mật cao nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể bị ai đó chiếm quyền điều khiển để theo dõi. Điện thoại thường chứa rất nhiều thông tin quan trọng như các tin nhắn, cuộc gọi, email, các thông tin về thẻ thanh toán, dữ liệu y tế và quan trọng nhất là dữ liệu định vị cho biết chủ nhân của nó đang ở đâu, di chuyển như thế nào.
Vậy làm thế nào để phát hiện iPhone của bạn có đang bị theo dõi hay không?
– Thứ nhất, nếu iPhone của bạn gần đây thường bị sụt pin một cách nhanh bất ngờ (dù pin của bạn không bị chai do sạc sai cách hoặc bạn mới thay pin) thì đó là một dấu hiệu cho thấy iPhone phải làm việc nhiều hơn để tự động gửi dữ liệu vị trí, các bản ghi âm, ảnh chụp qua mạng Internet cho người đang theo dõi bạn.
– Thứ hai, mức dữ liệu di động của bạn (4G, 5G) tăng cao đột biến. Nếu bạn thường xuyên để ý mức dữ liệu di động mà điện thoại của bạn sử dụng bị tăng cao đột biến so với trước đây, hoặc thường xuyên chạm mức giới hạn dù trước đây chưa từng như thế thì có thể điện thoại của bạn đang bị theo dõi và gửi dữ liệu cho người khác.
– Thứ ba, nếu iPhone gần đây của bạn thường xuất hiện những biểu hiện bất thường ví dụ như việc nhận được những tin nhắn SMS lạ thì có thể nó đang bị theo dõi. Những tin nhắn SMS lạ được gửi đến điện thoại có thể chính là những cú pháp để kích hoạt dịch vụ mạng di động, kích hoạt theo dõi vị trí hoặc các tác vụ khác. Do đó bạn cần hết sức lưu tâm.
– Thứ tư, nếu iPhone của bạn bất ngờ xuất hiện những ứng dụng lạ mà bạn chưa từng thấy trước đó, đặc biệt là ứng dụng có tên Cydia thì iPhone của bạn đã bị bẻ khóa (jailbreak) và đây là dấu hiệu đáng tin cậy về việc điện thoại của bạn đã bị hack và ai đó có thể sử dụng để theo dõi bạn. Nguy hiểm hơn, sau khi bẻ khóa iPhone của bạn, ứng dụng này còn có thể bị ẩn đi khiến bạn không ngờ tới.
– Thứ năm, nếu điện thoại của bạn cài đặt những ứng dụng của nhà phát triển thì đó cũng là một nguy cơ. Những ứng dụng của nhà phát triển thường là những thứ đang trong quá trình phát triển, chưa có trên AppStore, do đó nó có thể sẽ vượt qua được hệ thống bảo mật thông thường của Apple. Do đó, nếu bạn thấy điện thoại xuất hiện những ứng dụng lạ mà bạn chưa từng cài đặt trước đó thì có thể điện thoại đã bị tấn công theo dõi.
– Thứ sáu, nếu khi bạn thực hiện cuộc gọi điện thoại thông thường mà bạn nghe thấy những tiếng động lạ văng vẳng như tiếng click chuột, tiếng vọng hoặc tiếng động bất ngờ thì có thể bạn đang bị nghe lén cuộc gọi. Tuy nhiên, yếu tố này ít khi xảy ra.
Cách để ngăn chặn và bảo mật iPhone nếu nó có thể đã bị theo dõi
1. Khởi động lại
Nếu iPhone của bạn đã bị tấn công bằng cách cài đặt bản bẻ khóa hoặc một số cách khác thì việc khởi động lại điện thoại có thể giúp loại bỏ nó. Việc thường xuyên khởi động lại điện thoại iPhone cũng giúp nó hoạt động mượt mà hơn, do đó bạn có thể thực hiện điều này 1 lần/tuần.
2. Thay đổi mật khẩu mở máy
Đây là điều quan trọng mà bạn phải thực hiện vì nó là mấu chốt quan trọng để mở điện thoại của bạn và truy cập các dữ liệu khác. Hãy cố gắng sử dụng một mật khẩu khó đoán, hạn chế sử dụng mật khẩu thông thường như ngày sinh của bạn, của con cái, hoặc ngày kỷ niệm.
3. Kiểm tra những cài đặt Face ID hoặc vân tay lạ
Hãy kiểm tra để biết chắc chắn rằng không có bất kỳ cài đặt Face ID hoặc vân tay lạ nào được cài vào iPhone của bạn vì đó có thể là cách để kẻ gian mở khóa điện thoại và truy cập trái phép.
Hãy truy cập mục Cài đặt => Face ID & Mật mã để kiểm tra cụ thể. Nếu bạn thấy xuất hiện tùy chọn Set Up an Alternative Appearance (Cài đặt một khuôn mặt thay thế) và chỉ có duy nhất một khuôn mặt của bạn đã được đăng ký với iPhone thì mọi thứ vẫn ổn. Tuy nhiên nếu bạn không thấy tùy chọn này thì đã có 2 Face ID được đăng ký. Do đó, nếu bạn không tự đăng ký 2 lần thì có thể ai đó đã đăng ký Face ID với khuôn mặt của họ. Vì vậy bạn nên nhấn vào tùy chọn Reset Face ID để cài đặt lại từ đầu cho tính năng Face ID trên điện thoại của bạn.
Tương tự nếu điện thoại của bạn sử dụng mở khóa bằng vân tay, thì bạn nên xóa hết các vân tay đã đăng ký và làm lại từ đầu để đảm bảo sự an toàn bảo mật.
4. Sử dụng phần mềm phát hiện xâm nhập trái phép trên iPhone
Có 2 phần mềm nổi tiếng trong việc quét và phát hiện ra các vấn đề bảo mật trên iPhone của bạn và cả hai đều mất một chút phí nhưng nếu bạn thật sự quan tâm đến vấn đề bảo mật riêng tư và đang nghi ngờ điện thoại bị theo dõi gây những ảnh hưởng lớn thì bạn có thể cân nhắc sử dụng.
Phần mềm đầu tiên có tên là Certo Antispy, nó có khả năng quét tìm kiếm các ứng dụng gián điệp, lỗ hổng hệ thống như bị bẻ khóa, tìm các ứng dụng theo dõi, phát hiện công cụ theo dõi bàn phím, loại bỏ các tác nhân gây hại. Bạn có thể xem thêm thông tin tại đây.
Phần mềm thứ hai bạn có thể sử dụng là iVerify, nó có chi phí rẻ hơn so với Certo Antispy. Nó có nhiều tùy chọn để tìm kiếm những lỗ hổng và gợi ý cách để bạn bảo mật iPhone tốt nhất. Bạn có thể xem thêm thông tin tại đây.
5. Luôn cập nhật hệ điều hành iOS hoặc các bản vá bảo mật mới nhất
Đây là một trong những thao tác quan trọng giúp iPhone của bạn được bảo mật. Apple luôn luôn quan tâm đến vấn đề bảo mật trên các dòng sản phẩm của họ, và sẽ phát hành những bản vá khi phát hiện các vấn đề lỗ hổng. Ngoài ra, những phiên bản iOS mới nhất cũng có thể khiến những phần mềm theo dõi không thể hoạt động. Do đó bạn hãy thường xuyên chú ý cập nhật iOS để đảm bảo điện thoại của bạn được an toàn.
6. Đừng bao giờ cho người khác mượn điện thoại
Một vấn đề rất thông thường nhưng cũng rất quan trọng là đừng bao giờ cho người khác mượn điện thoại của bạn, hoặc ít nhất là cho mượn nhưng luôn giám sát hành vi của họ trên điện thoại của bạn.
Lỗ hổng bảo mật có thể đến từ những thói quen mà bạn ít khi để ý, do đó phải luôn cẩn trọng và để mắt tới chiếc điện thoại của bạn vì nó có nhiều dữ liệu quan trọng về bạn có thể khiến bạn gặp rắc rối lớn khi lộ lọt ra ngoài.