Những nhược điểm của iOS và Android: Nên dùng điện thoại nào?

by X Công Nghệ

Bạn là fan của iOS hay Android? Hãy cùng xCongNghe tìm hiểu những điểm của điện thoại iPhone (iOS) và Android qua góc nhìn của một người sử dụng nhé. Mình nghĩ chỉ cần nói lên nhược điểm của thằng này thì sẽ thấy được ưu điểm của thằng kia nên chỉ cần nói đến nhược điểm là đủ.

1. Những nhược điểm của iOS

– Thanh công cụ nhanh: mỗi lần tắt bluetooth “Disconnecting bluetooth devices until tomorrow”. Chi vậy má? Khi nào tui cần thì tui bật lên. Hôm đó xuống phòng thằng bạn kết nối điện thoại với Google Home Max bonus dàn loa để quẩy cùng nó với vài đứa nữa nhân lúc chủ nhà đi vắng. Tối hôm đó tắt Bluetooth bằng thanh công cụ nhanh, hôm sau đt tự động kết nối lại bluetooth, mình không để ý, dậy tắm rửa, “Hey Siri, play my shower playlist”.

Tui: Sao hôm nay nhạc nhỏ dữ ta.
Lúc này trong phòng thằng bạn: “SHOW IT!!! SHOW IT!!!!! I’M SEXY AND I KNOW IT!!!!!! WIGGLE WIGGLE WIGGLE WIGGLE WIGGLE YEAH”
Thằng bạn: Con đũy này, mày hít cần nhiều hơn hít khí Oxi rồi đó. Tới nái hay gì.
Thế là từ đó về sau mình luôn vô Setting để tắt Bluetooth cho an toàn.

– Nút và cử chỉ quay lại (cực hình nếu dùng điện thoại bằng 1 tay): Ở trên Android bạn có nút Back luôn luôn nằm 1 chỗ hoặc thao tác vuốt từ mép trái/phải màn hình để quay lại. Ở trên iOS thì luôn luôn làm mình cảm thấy bối rối mỗi lần muốn Back. Nút Back của iOS nằm ở góc trên bên trái, một vị trí rất là cùi, nếu dùng điện thoại bằng tay phải thì với mỏi tay luôn. Bạn có thể vuốt từ trái qua phải để quay lại nhưng lại tùy theo app bạn đang dùng. Có những app cho cho bạn vuốt từ giữa màn qua phải nhưng có những app bạn phải vuốt từ mép trái màn hình mới được (cực hình cho người dùng điện thoại bằng tay phải).

– Cứng nhắc trong việc cá nhân hóa: Apple hiện đã cho người dùng cá nhân hóa iPhone bằng các shorcuts và widgets nhưng nó vẫn còn rất hạn chế và thua Android rất rất xa. Kể cả việc đặt nhạc chuông mới thôi mà cũng khó khăn. Mình luôn luôn để nhạc chuông JoJo trên tất cả điện thoại của mình. Mình đã cắt khúc hay nhất của Golden Wind OST làm nhạc chuông. Link mp3 đây cho ai muốn tải về. Android thì cứ down về mà set nhạc chuông thôi, còn iPhone thì đành dùng Garage Band vậy.

– Bàn phím (mình biết iOS giờ đã cài được bàn phím ngoài nhưng rất nhiều người chỉ thích bàn phím mặc định. Mình viết trên quan điểm của một người nhắn tin Tiếng Việt nhưng thường xuyên phải nhét Tiếng Anh vào để bạn mình hiểu và diễn đạt dễ hơn): Dùng bàn phím trên iOS thử gõ “đay đó” rồi đưa con trỏ lại chỗ chữ đay để thêm chữ a cho thành “đây” xem được không hay bạn phải xóa cả chữ đi viết lại. Thêm một ví dụ nữa là ở chế độ Tiếng Việt, thử gõ câu “wher are you” xong quay lại thêm chữ e để sửa thành “where” xem nó ra cái gì. Thêm 1 ví dụ nữa là mỗi khi nhấn w thì ra ư. Nếu người dùng không muốn như vậy mà chỉ muốn nó ra w thôi, khi nào gõ uw mới ra ư thì không có lựa đó. Tất cả những điểm yếu này hầu như không có 1 bàn phím Android nào vướng phải. Laban key is da bezt.

Xem thêm: Không phải iOS hay Android, đây mới là hệ điều hành di động bảo mật nhất

– Xóa danh bạ: Cái này ít khi dùng nhưng khi đụng đến mới biết nó phiền như thế nào. Ví dụ bạn muốn xóa 1 contact thì bạn phải nhấn vô contact đó rồi nhấn Edit, rồi kéo xuống tuốt ở dưới nhấn nút xóa và xác nhận. Chưa kể đến việc nếu mình muốn xóa một lúc nhiều contact thì cách nhanh nhất là phải cài thêm app Delete Contacts hoặc lên icloud.com để xóa. Cái này Android làm chỉ trong 1 cái búng tay.

– Ghi âm cuộc gọi (tất nhiên bạn có thể cài thêm app và phải trả phí nếu muốn dùng trên iOS): Tính năng này ở một số thị trường là bất hợp pháp nhưng Apple có thể tùy biến tính năng tùy theo thị trường như những hãng điện thoại khác nhưng họ không bao giờ làm.

– Những app cơ bản có sẵn ít khi được dùng tới: Home (hỗ trợ rất rất ít), Google Maps (Apple Map không có cửa), Gmail (app mail của Apple đôi khi email tới rất chậm, không nhận mail ngay lập tức như app Gmail), Google Calendar, Chrome (người người xài Chrome, nhà nhà xài chrome, xài chrome liền mạch từ laptop tới điện thoại cho dễ đồng bộ thông tin), Google Photos (free unlimited photos backup with high quality, hình sau khi backup có chất lượng khá tốt mặc dù không nét như hình gốc nhưng vẫn dư xài)… Tất cả những app này là app mặc định trên Android và người dùng iOS thường hay phải tải thêm về để thay thế cho app mặc định trên iPhone.

– Two-factor authentication (TFA) là cái kiểu bảo mật mệt mỏi nhất. Hồi trước Apple có những loại bảo mật như Simple Legacy, Simple Secondary nhưng bây giờ giờ chỉ còn TFA và bạn nào đang ở loại bảo mật cũ thì không nên bật TFA lên vì 1 khi đã bật thì không thể nào tắt được. Với Simple Legacy hoặc Simple Secondary, lúc bạn đăng nhập iCloud hoặc AppleID thì bạn có thể dễ dàng xác nhận bằng Security Questions hoặc email. Còn với TFA nếu bạn không có Trusted Devide (1 thiết bị của Apple đăng nhập dưới cùng 1 tài khoản) hoặc Trusted Phone Number để nhận Verification Code, you are f*cked. Theo mặc định của Apple thì Verification Code gửi qua Trusted Device nên nếu bạn muốn sử dụng tài khoản Apple hiệu quả, bạn nên có trên 2 thiết bị của Apple 🙂

Lấy ví dụ cụ thể, bạn chỉ có 1 con iPhone và nó hỏng nguồn, không xài được nữa và phải đem ra Apple Store, họ yêu cầu bạn phải tắt Find My iPhone trước khi tiến hành bất kì sửa chữa gì. Nếu bạn có 1 con iPad với cùng 1 AppleID thì mọi chuyện quá dễ dàng. Còn nếu bạn không có thì bạn phải đăng nhập AppleID của bạn trên website để tắt Find My iPhone, nhưng trớ trêu thay, mặc dù bạn biết AppleID và mật khẩu nhưng bạn vẫn không thể nào đăng nhập được vì nó sẽ hỏi Verification Code từ Trusted Device. Chờ đã, nhưng mà bạn không có Trusted Device nào cả nên nó sẽ gửi qua Phone Number. Wait, điện thoại bạn đang hư mà làm sao mở lên để nhận Verification Code được. Thế là bạn phải lôi cái sim ra khỏi con iPhone, mượn điện thoại ai đó để nhét sim vào rồi nhận Verification Code. Phewwww, cuối cùng cũng xong, việc tiếp theo bạn cần làm là chuẩn bị một mớ tiền cúng Apple cho việc sửa iPhone. Vậy là mọi thứ sẽ dễ dàng hơn cho bạn rất nhiều nếu bạn có iPad hoặc Macbook và có ti tỉ trường hợp khác nữa để bạn nhận ra 1 khi mua đồ của Apple thì bạn sẽ có xu hướng mua thêm nữa.

Đấy là trường hợp bạn dùng simcard, còn nếu bạn dùng eSim thì… TFA tưởng chừng như là 1 lợi thế của Apple vì nó có tính bảo mật rất cao nhưng đồng thời nó cũng là điểm yếu rất lớn gây khó chịu cho người dùng và không thể tắt đi được.

2. Những nhược điểm của Android

Android thì muôn hình vạn trạng, không thể nào mà nói hết những nhược điểm của Android tại vì một số máy có điểm yếu này nhưng một số máy lại không có, tất cả bởi vì giao diện tùy biến mà mỗi hãng tạo cho điện thoại của họ. Mình chỉ có thể nói chung chung về điểm yếu của Android thôi.

– Chất lượng của app: App trên Android thường không được trau chuốt tỉ mỉ như trên iOS và hỗ trợ rất kém mỗi khi có lỗi. Là một người dùng Android lâu năm, khi chuyển qua iOS mình thấy nó như 1 chân trời mới. Ứng dụng được làm rất đẹp, hiệu ứng mượt mà, hoạt động ổn định.

– Bảo mật không được tốt như iOS: Mặc dù Google đã cố gắng rất nhiều nhưng xét về phương diện bảo mật thì Adroid chưa bao giờ có cửa với iOS. Đã lần nào bạn đang vô 1 web pỏn mà tự nhiên điện thoại nó rung như máy mát xa chưa? Hú hồn hú vía nè. Thằng em đang lau nhà ở ngoài cửa nhà tắm nghe thấy tiếng rung kinh hoàng: tui nói ông rồi, đổi qua iPhone mà xài như tui nè, chi cho cực vậy hông biết.

– Không đồng nhất: Mỗi hãng mỗi UI khác nhau, không ai giống ai nên mỗi khi đổi điện thoại mà qua hãng khác là đau đầu lắm, tá lả âm binh thứ, bloatware (app cài sẵn trong máy mà chả bao giờ dùng tới và không thể nào xóa được, nó làm tiêu tốn tài nguyên và rất rất là vô dụng) tùm lum, setup hết cái này đến cái khác mà vẫn chưa xong (đơn cử là Samsung, ngồi setup mà toát hết mồ hôi, cầm cái điện thoại mới mà hoang mang không biết dùng). Thêm nữa là hệ sinh thái của Android rất kém và thiếu sự đồng bộ (trừ những hãng khổng lồ như Samsung hay Huawei). Nếu bạn ở trong hệ sinh thái của Apple thì bạn sẽ biết tất cả các thiết bị của Apple hoạt động hiệu quả và đồng nhất với nhau như thế nào.

– Ít phụ kiện và linh kiện thay thế: Cái này cũng hên xui lắm, nếu bạn mua điện thoại xịn của mấy hãng lớn như Samsung Note 20 Ultra chẳng hạn, thì bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Còn nếu bạn mua mấy con điện thoại không phổ biến như Google Pixel 4XL (con này chụp hình xịn mịn lắm lắm luôn) hay LG V10 20 30 40 gì đó thì có rất ít phụ kiện. Tương tự như vậy, lúc sửa chữa thì linh kiện cho điện thoại Android khá là khan hiếm và đắt tiền. Còn Apple thì nhan nhản ở đâu cũng có, chưa kể số lượng Apple Store cực nhiều và có thể phục vụ người dùng từ đầu tới đít (miễn là cưng có tiền hoặc đã mua Apple Care Plus).

– Thiếu sự hỗ trợ từ nhà sản xuất: Apple hỗ trợ điện thoại họ rất lâu và có chương trình rất hay gọi là Apple Bounty Program cho phép người dùng báo cáo Apple về những lỗi, những lỗ hổng bảo mật và sau đó Apple sẽ thưởng tiền. Đó là một trong những lí do tại sao iPhone cập nhật liên tục, hoạt động hiệu quả, ổn định và bảo mật hơn hẳn Android. Andoid thì bị phân mảnh quá nhiều nên được hỗ trợ rất chậm là vòng đời hỗ trợ rất ngắn (tin vui cho anh em dùng Samsung là trong đợt ra mắt Note 20 Ultra vừa qua, Samsung công bố hỗ trợ 3 năm cập nhật Android như bọn Google Pixel kể từ S10 đổ lên.

– Cái gì cũng có nhưng chẳng làm tới nơi tới chốn: Google đã cố gắng để sao chép tính năng AirDrop của iPhone, cuối cùng thì Android cũng có và tên của nó là Nearby Share nhưng Nearby Share lại rối rắm, không nhanh bằng và không ổn định bằng AirDrop. Hơn nữa Nearby Share chỉ có mặt trên 1 số mẫu điện thoại chứ không có trên mọi thiết bị như AirDrop trên iOS. Kế đến là nỗ lực copy iMessage. Sau ngần ấy năm, cuối cùng Google đã cho ra đời RCS trên Android, nó có những tính năng và cách thức hoạt động gần giống như iMessage nhưng iMessage vẫn ở cái tầm mà RCS què quặt không thể nào với tới được.

Trên đây là sơ sơ vài nhược điểm của 2 thằng iOS và Android, bạn còn thấy cái nào chưa nêu thì bình luận phía dưới nhé.

Trần Thanh Mẫn

Xem Thêm